CƠ KHÍ VIỆT NAM: NGÀNH “XƯƠNG SỐNG” NHƯNG Ỳ ẠCH LỚN

Vốn được xem như “xương sống” của nền kinh tế, song suốt nhiều năm qua hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân DN đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh

Theo Bộ Công Thương, công nghiệp cơ khí đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiêp chế biến, chế tạo, được xem như “xương sống” của nền kinh tế bởi đây là ngành nền tảng, hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cho các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng.

Trong những năm vừa qua, công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, số lượng DN cơ khí tăng nhanh, từ khoảng 10.000 DN năm 2010 lên hơn 21.000 DN năm 2016, chiếm 28% tổng số DN chế biến, chế tạo. Những năm gần đây, điển hình như năm 2016, kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí đạt trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép các loại thì kim ngạch XK các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD.

Liên quan tới sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm: Nhiều sản phẩm trước đây Việt Nam phải NK đến nay từng bước đã được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã được đồng bộ. Các DN làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của một số tập đoàn đa quốc gia.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nêu rõ hơn: Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng của cơ khí cả nước.

Rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký

Dù khẳng định ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được một số kết quả nhất định, song theo ông Tuấn Anh, công nghiệp cơ khí hiện vẫn còn nhiều hạn chế, điểm yếu. Đầu tiên là về thị trường. Ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm NK. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Thậm chí, ngay cả tại thị trường nội địa, các DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các DN, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Bên cạnh thị trường, trình độ khoa học công nghệ được xem là điểm yếu điển hình thứ hai của ngành cơ khí Việt Nam. Ông Tuấn Anh nêu rõ: Ngành cơ khí trong nước có rất ít phát minh, sáng chế được đăng ký. Thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung còn chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực cơ khí của Việt Nam vẫn chưa phát triển đủ mạnh để bảo về người tiêu dùng trong nước trước hàng NK có chất lượng không phù hợp. Ngoài ra, ông Tuấn Anh chỉ ra, hạn chế của ngành cơ khí còn thể hiện ở góc độ nguyên phụ liệu hầu hết phải NK; nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng; vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả.

Xung quanh câu chuyện phát triển ngành công nghiệp cơ khí, ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành cơ khí đã tạo nhiều chuyển biến ở một số lĩnh vực. Tuy nhiên, tính đến năm 2013, ngành cơ khí mới đáp ứng được khoảng 34,5% nhu cầu cơ khí cả nước, không hoàn thành mục tiêu đề ra trong Chiến lược (mục tiêu đề ra, năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước). “Việc triển khai cơ chế chính sách phát triển ngành cơ khí còn hạn chế, thiếu nhất quán. Vai trò quản lý, đề xuất cơ chế chính sách phát triển ngành gia công cơ khí của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được phát huy. Các DN cơ khí nhà nước chậm đổi mới. Trong khi đó, DN tư nhân quy mô nhỏ, ít quan tâm đầu tư đến ngành cơ khí. Việc đầu tư cho ngành còn mang tính phân tán, khép kín trong từng DN…”, ông Trung nói.

Phân tích sâu hơn, theo ông Nguyễn Văn Thụ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam, hơn 15 năm qua, dòng sản phẩm cơ khí lắp ráp, hàng kết cấu thép, thiết bị nâng hạ, lắp ráp ô tô được đầu tư nhiều nên phát triển nhanh trong khu vực. Trong khi đó, khu vực chế tạo máy do ít được đầu tư nên chậm phát triển. Sau hơn 15 năm, Việt Nam chưa xây dựng được thêm một nhà máy mới nào về chế tạo máy. Điều này dẫn đến thực trạng ngành cơ khí Việt Nam phát triển lệch và phần chính yếu, quan trọng lại chưa được nhà quản lý tập trung đầu tư, phát triển… “Trình độ kỹ thuật của ngành cơ khí vẫn chỉ được xếp dưới mức trung bình. Lĩnh vực chế tạo phôi và công nghiệp phụ trợ-2 mảng cốt yếu để phát triển chưa được đầu tư đúng tầm”, ông Thụ nhấn mạnh.

Đầu tư có trọng điểm

Nhìn vào toàn cảnh “bức tranh” ngành công nghiệp cơ khí, theo ông Thụ, để  tháo gỡ các điểm nghẽn, mở lối cho ngành này phát triển, trong chiến lược phát triển giai đoạn tới, cần lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại sản phẩm… Chính phủ nên tập trung soát xét lại một số sản phẩm cơ khí trọng điểm vừa có thị trường vừa có cơ sở vật chất để phát triển và được hưởng những chính sách ưu tiên đặc biệt, đơn cử như ngành đóng tàu biển, ô tô buýt, ô tô khách và tải nhẹ 5T. “Đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí dứt khoát không thể thiếu bàn tay hữu hình của Nhà nước tác động, nuôi dưỡng bằng tạo đơn hàng cho các sản phẩm cơ khí. Chính phủ cần có một hệ thống chính sách đồng bộ từ vốn, quy hoạch, lựa chọn sản phẩm có sức cạnh tranh và kết hợp kinh tế quốc phòng, không thể đầu tư tràn lan và không theo quy hoạch phát triển chung của quốc gia”, ông Thụ đề xuất.

Một số chuyên gia đánh giá: Các tập đoàn công nghiệp lớn cũng  nên chủ động, quan tâm hơn nữa đầu tư cho lực lượng cơ khí của mình. Ví dụ điển hình như, ngành dầu khí tập trung làm giàn khoan biển, đóng tàu chờ cỡ lớn, đồng thời tiếp tục đầu tư các cơ sở sản xuất chế tạo vật liệu cho ngành dầu khí như đường ống áp lực, thiết bị bồn bể áp lực cao, bơm, van công nghiệ; ngành than, khoáng sản cần tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm máy khai thác quặng, tuyển khoáng…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những chính sách mới và đưa ra những giải pháp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các DN. Cụ thể, đó là sẽ xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, phối hợp với cộng đồng DN, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho DN đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các DN cơ khí áp dụng các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất…

Theo Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, mục tiêu đặt ra là: Đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu…Về XK, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng XK đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Chiến lược nêu rõ: Đến năm 2025, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần XK; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại….

 

Gọi điện thoại
0916.542.041
Chat Zalo